Thất thủ lần hai Trận_Vĩnh_Long

Súng thần công của thành Vĩnh Long xưa, đang được trưng bày trong khuôn viên Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Sau khi Hiệp ước Nhâm Tuất được phê chuẩn, vua Tự Đức cử Phan Thanh Giản cầm đầu phái bộ sang Pháp, xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Đề cập đến giai đoạn này, sách Việt Nam sử lược chép:

...Hai nước cứ bàn đi bàn lại mãi không xong, mà ở bên Pháp thì có nhiều người không muốn trả lại đất Nam Kỳ. Cuối năm Giáp Tý (1864) quan thượng thư Hải quân bộ là hầu tước De Chasseloup Laubat dâng sớ tâu với Pháp Hoàng nhất định xin không cho nước Nam chuộc ba tỉnh. Pháp Hoàng nghe lời ấy bèn xuống chỉ truyền cứ chiếu tờ hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) mà thi hành. [4]

Năm Giáp Dần niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864), thực dân Pháp đã chiếm xong Cam Bốt, ba tỉnh miền Đông mà họ đánh chiếm được, cũng dần được ổn định. song, ở ba tỉnh miền Tây, thì phong trào kháng Pháp vẫn còn khá mạnh mẽ. Chính vì vậy, chừng nào chưa chiếm được ba tỉnh thành trên, thì họ còn chưa yên.

Năm Ất Sửu (1865), Chasseloup Laubat triệu tướng La Grandière về Pháp để hiểu rõ thêm tình hình ở Nam Kỳ. Cuối cùng, việc đánh chiếm ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đã được chấp thuận. Về lại Nam Kỳ, lấy cớ triều đình Huế bất lực trong việc đàn áp quân "phiến loạn", La Grandière thảo ngay kế hoạch đánh chiếm ba tỉnh miền Tây [5].

Diễn biến

  • Theo sách Lịch sử Việt Nam (1858-cuối XIX), thì:

Ngày 18 tháng 6 năm 1867, quân Pháp gồm 1.200 lính cùng với 400 lính tập người Việt tập họp ở Mỹ Tho. Ngày 19, từ Sài Gòn, La Grandière chỉ huy một đội tàu gồm 16 chiếc cũng tới Mỹ Tho, và rồi cho hành quân ngay trong đêm. Sáng ngày 20, đoàn quân thủy bộ của Pháp đã tới trước thành Vĩnh Long. La Grandière cho quân đổ bộ, và đưa thư đòi kinh lược Phan Thanh Giản giao nộp thành không điều kiện.

Trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi, Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, tránh đổ máu vô ích, với yêu cầu người Pháp đừng quấy nhiễu dân chúng, và được giữ lại kho tiền để chi trả chiến phí theo Hiệp ước Nhâm Tuất...La Grandière bằng lòng, nhưng ngay khi Phan Thanh Giản vừa bước khỏi tàu chiến Pháp ra về thì viên tướng này cho bộ binh nối gót theo sau rồi chia làm bốn cánh vào chiếm đóng thành. Tiếp đó, La Grandière còn yêu cầu Phan Thanh Giản viết thư khuyên quan quân ở hai tỉnh còn lại là An GiangHà Tiên phải hạ khí giới, giao nộp thành trì...

Sau khi làm theo yêu cầu của đối phương, Kinh lược Phan Thanh Giản tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867, sau khi dặn dò con cái phải làm ruộng mà ăn, chứ không được nhận chức quan gì của Pháp. Ngày 21 tháng 6 năm 1867, quân Pháp chiếm gọn tỉnh An Giang. Ba ngày sau (24 tháng 6), quân Pháp chiếm luôn Hà Tiên. Từ đó toàn cõi Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp. Thuế má, luật lệ, điều gì cũng do súy phủ ở Sài Gòn quyết định.

  • Theo Nam Bộ Chiến Sử của Nguyễn Bảo Hóa, được Phạm Văn Sơn thuật trong lại Việt sử toàn thư thì:

Bấy giờ tại Pháp đình Napoléon III thấy trong các triều thần phái thì chủ hòa, phái thì chủ chiến, lấy làm hoang mang về vấn đề Việt Nam. Cho nên đầu năm 1867 nhà vua phái Trung tướng De Varannes sang Nam Kỳ điều tra tình hình. Rồi khi phái đoàn trở về Pháp, sau đó mới có lệnh xâm lăng ba tỉnh thuộc vùng Hậu Giang. Lúc này, La Grandière cũng đã sửa soạn xong chiến sự miền Tây (sắp đặt lệnh hành quân, việc bố phòng các vị trí hiện hữu, tuyển mộ người cho bộ máy hành chính mới, lấy lính bản xứ để đưa đến các vùng sắp chiếm đóng).

Ngày 17 và 18 tháng 6 năm 1867, quân Pháp lên đường gồm 1.000 người Âu Châu và 4.000 lính tập. Ngày 20 La Grandière có mặt trong trận đánh Vĩnh Long.Hạm đội của Pháp gồm có các pháo thuyền "Mitraille, Bourdais, Alom Frah, Espignole, Glaive, Fanconneau, Hallebarde, Arc" và một đoàn tàu vận tải. Nhờ có sa mù của buổi sớm mai, đoàn tàu chiến của Pháp tiến đến đậu trước thành Vĩnh Long mà bên Việt không hay chi hết. Rồi họ đổ bộ, binh sĩ chĩa súng vào thành. Quá bảy giờ sáng thành bị vây hoàn toàn, quan quân Việt mới biết.

Đến nơi, Bộ tham mưu Pháp phái Legrand de la Liraye đem một tối hậu thư vào thành buộc Phan Thanh Giản phải nhượng Vĩnh Long, An GiangHà Tiên; nếu không quá hai giờ sau Pháp sẽ công phá thành. Quan Kinh lược Phan cùng án sát Võ Doãn Thanh hết sức lúng túng, xin hội kiến với La Grandière và xin khoan hạn để hỏi ý kiến triều đình vì biết rằng không thể đối phó nổi bằng quân sự với Pháp. Nhưng cuộc hội kiến vô kết quả. Hai người trở ra về thì thành đã bị mất. Hôm ấy là ngày 20 tháng 6 năm 1867 [6].

Sau khi thất thủ

Một mảnh vỡ của khẩu đại bác cùng hai viên đạn thời Nguyễn đang được thờ tại Công Thần Miếu Vĩnh Long

Khi quân Pháp một lần nữa lại ung dung tiến vào chiếm đóng thành Vĩnh Long, thì ở đây đang chuẩn bị kỳ thi Hương. Sách Lịch sử Việt Nam (1858-cuối XIX) chép: Ba vị đốc học đang lo tổ chức kỳ thi rất phẫn uất vì sao quân Pháp ngang nhiên tiến vào mà không hề gặp sự kháng cự nào, bèn cùng nhau bỏ ra thành, xuống thuyền cố chèo đi Châu Đốc để tổ chức kháng Pháp. Biết được, quân Pháp xuống thuyền đuổi theo bắt lại, một vị đốc học già đã tự sát. [7]

Tiếp đó là một phong trào "tị địa"[8] lần thứ hai của các sĩ phu Vĩnh–An–Hà. Một số nhà nho yêu nước đã tìm đường ra Bình Thuận, lập Đồng Châu Xã và căn cứ ở Tánh Linh nhằm mưu cuộc kháng chiến lâu dài.

Sau khi thành Vĩnh Long thất thủ và bị chiếm đóng, nhân dân ở nhiều nơi vẫn tiếp tục phất cao ngọn cờ kháng chiến, tuy điều kiện không còn thuận lợi như trước nữa. Bởi lúc này, các quan tỉnh đã được lệnh bãi binh theo Hòa ước Nhâm Tuất.

Tuy nhiên, ở Bến Tre, Vĩnh Long...Phan Tôn cùng Phan Liêm (đều là con Phan Thanh Giản) vẫn cương quyết đứng lên khởi nghĩa (1867-1868). Ở Rạch Giá (Kiên Giang), Nguyễn Trung Trực cũng đã tổ chức đánh chiếm tỉnh thành này và làm chủ được 5 ngày (16 tháng 6 năm 1868 -21 tháng 6 năm 1868). Thủ Khoa Huân, sau khi bị đày rồi được tha (tháng 2, năm 1869), lại tiếp tục kháng Pháp...

Cùng với các cuộc nổi dậy khác, tất cả đã làm cho thực dân Pháp phải lao đao. Sử Pháp thú nhận: Những cuộc thất bại của quân đội triều đình Đại Nam, không có ảnh hưởng chút nào đến tình hình ứng nghĩa của các vùng đã bị chiếm đóng.[9]

Liên quan